Lượt xem: 3127

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những điều kỳ diệu nhất

Ngày 07-5-1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng vĩ đại này đã đặt dấu chấm hết cho chế độ thực dân Pháp, mở ra một trang sử mới cho dân tộc ta. Một ngày sau đó, ngày 08-5-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ với sự tham dự của các cường quốc chính thức bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hai sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quyết định đối với đất nước ta trong thế kỷ XX.

 

    Với 49 cứ điểm và 8 trung tâm được định hình trong ba phân khu trải dài khắp lòng chảo Mường Thanh, mỗi cứ điểm là một hệ thống phòng ngự với binh lực, hỏa lực lợi hại, được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, cho đến thời điểm ấy, Điện Biên Phủ là Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất chưa từng có của thực dân Pháp ở Đông Dương.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh Tư liệu.

    Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ: Quyết chiến quyết thắng cho bộ đội và chỉ thị cho toàn quân, toàn dân ta phải ra sức giết giặc lập công, giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cử Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến dịch lịch sử này.

    Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, lực lượng mọi mặt của ta được động viên đến mức cao nhất để phục vụ cho nhiệm vụ đánh thắng hoàn toàn quân thù xâm lược.

    Ngày 13-3-1954, quân ta mở đợt tiến công thứ nhất vào Điện Biên Phủ. Lực lượng pháo binh mạnh và bắn rất chính xác của ta là một bất ngờ khủng khiếp đối với địch. Phòng tuyến bảo vệ phía Bắc tập đoàn cứ điểm bị tiêu diệt nhanh chóng. Chiều ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai bắt đầu nhằm đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, chiếm lĩnh sân bay Mường Thanh, tiêu diệt khu vực phòng thủ then chốt của khu trung tâm. Ngày 01-5-1954, ta tiến công đợt thứ ba vào những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây. Ngày 07-5-1954, ta tập trung lực lượng đánh vào khu trung tâm cố thủ của địch. Đến 3 giờ chiều, Bộ Chỉ huy mặt trận ra lệnh Tổng công kích. Bộ đội ta tiến đến đâu, quân địch lũ lượt giương cờ trắng ra hàng đến đó. Một tiểu đội xung kích của ta được lệnh xông thẳng đến hầm cố thủ của tướng Đờ Cát-tơ-ri. Trước khí thế dũng mãnh của quân ta, tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm và toàn thể bộ tham mưu của hắn đầu hàng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã toàn thắng vẻ vang trong chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.


Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh Tư liệu

    Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp. “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.

    Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ được thể hiện ở những điều kỳ diệu nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Thứ nhất, đó là trận đánh liên tục dài ngày nhất, 56 ngày đêm không một phút nào ngưng tiếng súng, hai bên giằng co từng tấc đất, bên tấn công, bên phòng thủ, diễn ra từng giây từng phút. Điều kỳ diệu thứ hai, đó là người dân tham gia vào trận đánh Điện Biên Phủ đông gấp nhiều lần quân đội, trong suốt chiến dịch, lực lượng dân công 261.453 người với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ... tổng khối lượng cung cấp cho chiến dịch là 30.759 tấn, dân công đã làm mới 89 km và sửa chữa, củng cố 500 km đường. Điều kỳ diệu thứ ba, đó là đội quân xe đạp hùng hậu trở thành “vua vận tải” của chiến trường - một sự kỳ diệu chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới, chỉ tính riêng đội quân xe đạp đã trên 20.000 người. Điều kỳ diệu thứ tư, đó là máy bay vận tải quân sự của Pháp liên tục “tiếp tế” cho quân đội Việt Nam và điều kỳ diệu thứ năm, đó là cuộc lui quân chưa từng có trong lịch sử...


Dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

    Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ… là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”. “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.

Quốc Hùng

 

* Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Hưởng: Một gốc nhìn thời cuộc, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Nxb Công an nhân dân, 2019.

2. Mai Trọng Tuấn: Điện Biên Phủ 5 điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Việt - Nam đất nước anh hùng, Nxb Sự thật, Hà Nội - 1975.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 7089
  • Trong tuần: 77,796
  • Tất cả: 11,801,116